Cách mạng cây chuối

Mấy năm trước, miềng nói đến chuyện dùng chuối để bón phân cho cây tăng lượng kali, thì bao người phỉ báng, thậm chí còn chửi miềng bảo kali chuối lấy từ đất, rồi trả lại thì cũng bằng nhau, như nito còn có thêm từ khí trời, chứ không thể nói trồng chuối, phủ chuối lại đất là tăng kali được. Miềng giải thích là chuối chỉ lấy một hàm lượng nhỏ trong đất nhưng tạo ra một hàm lượng lớn trong cây nhờ quá trình chuyển hóa năng lượng. Một lô một lốc người xúm vào chửi miềng: Định luật bảo toàn năng lượng vứt vào toilet à? 

Miềng im lặng! Đi làm việc của miềng! Và cũng không muốn giải thích gì nhiều dù định luật bảo toàn năng lượng luôn có 2 vế: Năng lượng không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, nhưng nó lại CHUYỂN HÓA TỪ DẠNG NÀY SANG DẠNG KHÁC (miềng rất dốt hóa vẫn nhớ rõ như vậy). Nghĩa là cây chuối có thể không cần lấy kali nhiều từ đất, nhưng lại tạo ra một hàm lượng lớn kali trong cây, nhờ vào một cơ chế chuyển hóa năng lượng đặc thù riêng có của cây chuối mà tự nhiên tạo hóa đã quy định cho mỗi loài khác nhau một “công thức” trong muôn loài thì có muôn vàn công thức.

Và giờ sau bao năm, miềng vẫn kiên trì chia sẻ về phân chuối và nhiều người cũng đã dần nhận ra được giá trị thật sự từ cây chuối. Bao người đã trồng chuối xen canh không phải để bán quả mà để tạo sinh khối, nguồn phân cho cây trồng khác. Đặc biệt là các cô bác nông dân quê miềng, rồi những bạn trẻ làm nông ở mọi miền Tổ Quốc mà miềng từng gửi tài liệu và vẫn thường xuyên trao đổi kiến thức với nhau. 

Vì sao chia sẻ của miềng về cây chuối lại bị chửi bới, vùi dập đến vậy? Vì đơn giản là chuối rất dễ trồng, dễ có, đâu cũng có thể xin về trồng rồi nhân giống rất nhanh, không tốn tiền, bởi vậy không ai kinh doanh, buôn bán được gì từ nó với nông dân cả. Và người ta không thích điều đó, chỉ đơn giản vậy thôi! 

Và với miềng giờ đây, mỗi lần lướt qua thấy một ai đó dùng chuối để bón phân, rồi thấy ai đó khoe rằng: cam ngon, xoài ngọt, ổi thơm … nhờ bón phân chuối, rồi càng ngày, người ta càng lan truyền mạnh mẽ về việc vận dụng cây chuối để làm nông nghiệp là miềng lại im lặng mỉm cười mãn nguyện vì ít nhiều, miềng thấy miềng cũng để lại được thành tựu gì đó, góp được một chút sức mọn nào đó của miềng cho đời, không cần ai phải ghi tạc công ơn, không cân bia miệng nào phải nhớ tới, vì những điều này, miềng cũng học hỏi từ các bậc tiền bối mà ra. 

Làm nông thật sự, các bạn sẽ có những phát hiện lý thú, mà nhiều khi không cần phải đọc sách, hỏi han gì nhiều đâu. Chỉ đơn giản là quan sát và thử nghiệm mà thôi, nó có sức hút hấp dẫn, mãnh liệt lắm! 

Đơn giản là từ cây chuối thôi, chỉ cần quan sát, chúng ta có thể tạo ra một cuộc cách mạng, xây dựng được cả một hệ sinh thái tự nhiên, con người, sản phẩm mới với phương thức nông nghiệp hoàn toàn mới. 

Chúc các bạn sẽ thành công nha!

Phủ thân chuối đã cắt nhỏ

MỘT SỐ THÔNG TIN THÊM VỀ CÁCH VẬN DỤNG CHUỐI TRONG CANH TÁC:

QUY TRÌNH CANH TÁC TRÊN CÂY CAM:

Quy trình mà bên mình đang áp dụng với cây cam, các anh chị có thể tham khảo để làm với các cây trồng khác dựa vào nhu cầu của mỗi loài khác nhau nhé:

Cây chuối thì ko giới hạn số lượng. Phủ càng kín càng tốt. Với cam chị làm thế này. Sau thu hoạch, rải phân chuồng lên mặt tán (ko đào quanh gốc để bỏ phân), tấp cây chuối + quả cam rụng + các thể loại cây cỏ khác nhau lên, càng kín càng tốt, cỏ ko mọc được, mà cây tự phân hủy nuôi cây cam. Mỗi tháng tưới phân nước 1 lần, bao gồm: tháng 1 – 5: 70% phân cá + 30% phân chuối, nếu ủ đc đậu tương + hoa cúc + ngô + bã dầu … gì nữa càng đa dạng, càng tốt. Từ tháng 7 – 10: 70% phân chuối + 30% còn lại. Tưới loãng cá tỷ lệ 1:200, chuối tỷ lệ 1:7. 

HƯỚNG DẪN CHI TIẾT CỦA BẠN NGUYỄN NGHIỆP:

Bạn xem nếu thân chuối bổ ra xếp xung quanh gốc cây thì cỏ sẽ bị đè bẹp xuống không cạnh tranh được ánh sáng với cây trồng chính và cỏ đó sẽ dần dần thối ra tạo lớp phân xanh cho cây. Một thời gian sau lớp cỏ khác mới mọc lên và ta tiếp tục làm như vậy do đó không cần bón phân. Nước tưới cũng sẽ giảm vì thân cỏ tươi từ từ thối ra đất xung quanh gốc cây luôn ẩm. Việc này không cần dùng máy cắt cỏ. Vậy bạn vừa có quả chuối bán kiếm tiền vừa không phải mua phân bón chi phí cho nước tưới cũng giảm. Thân chuối lại không giống tủ gốc bằng rơm rạ sẽ mọc lúa. Rất nhiều lợi ích ạ! 

Không sợ quá ẩm sẽ có ốc sên hay các con côn trùng khác. Nhà mình trồng kiểu để thiên nhiên nó tự điều chỉnh mình chỉ hỗ trợ việc mà rừng không làm được thôi. Ví như một vài lá cây bưởi có sâu cũng không cần phun thuốc hóa học vì tự thiên nhiên sinh rq sẽ có thiên địch tới diệt nó. Công việc hằng ngày của mình chỉ là thu hoạch, gieo hạt, tưới nước và điều chỉnh ánh sáng. Nếu bạn để ý mỗi lần xếp xung quanh gốc như vậy mình gài hạt bí hay bất cứ hạt gì rồi khi nó lên cây lại tiếp tục diệt cỏ xung quanh gốc bí bằng cách xếp thân, lá chuối như vậy thì bạn sẽ thu được rất nhiều thứ thiên nhiên chứ không phải như rừng tự nhiên

Khi cây bưởi hay mít còn nhỏ thì cây chuối làm giảm ánh nắng chiếu trực tiếp đến cây.nhà mình hệ thống cây hiện tại như sau: chuối tầng cao nhất rồi đu đủ, đến mít bưởi, thấp hơn thì húng chó thấp nữa cà chua và bí ngô.

CÁCH Ủ PHÂN CHUỐI TỪ QUẢ THÀNH DẠNG NƯỚC:

Thân cây thì chặt rồi xếp như hình nha. Còn quả mà ko bán đc, hoặc mùa đông chuối ko ngon thì đem đi ủ phân nước. Cứ cho quả chuối + nước vào thùng thêm men vi sinh mua sẵn hoặc tự làm, cho thêm vào, đậy kín, để chỗ mát thi thoảng mở ra đảo đều, chờ khoảng 3 tháng, lấy dung dịch ra hòa nước tưới cây ah.

Men vi sinh các bạn mua hoặc tham khảo cách tự làm để thực nghiệm ra cách của riêng mình dưới đây.

GỢI Ý CÁCH TỰ LÀM CHẾ PHẨM SINH HỌC
( Gửi các bạn có nhu cầu tham khảo để chuẩn bị cho một mùa canh tác mới)

Vài lưu ý khi làm chế phẩm sinh học:

_ Không nên dùng đường trắng để làm vì sau khi chế biến, trong đường trắng còn lại rất ít vitamin và khoáng chất. Do đó nên chọn đường nâu hay mật đường.

_ Không dùng nước có chứa chlorine (Cl) khi điều chế các chế phẩm sinh học vì chlorine có tính sát khuẩn nên sẽ diệt luôn các vi sinh có lợi. Nếu dùng nước máy nên để khoảng 12-24 giờ để bay bớt chlorine.

_ Không dùng vật liệu thủy tinh hoặc kim loại để điều chế hay lưu trữ chế phẩm sinh học vì khí sinh ra có thể gây nổ bình, đồng thời các chế phẩm có môi trường acid có thể gây ăn mòn kim loại.

_ Các chế phẩm thường có mùi thơm hơi chua, môi trường acid có pH dưới 4. Nếu chế phẩm có mùi hôi và pH cao thì nó đã hỏng, không xài được.

_ Vào mùa nóng, quá trình làm chế phẩm thường diễn ra nhanh hơn so với mùa lạnh, nên cần để ý điều này.

_ Luôn chừa một khoảng không gian khoảng 1/3 hay 1/4 hũ chứa trong quá trình điều chế và lưu trữ các chế phẩm sinh học.

1. IMO (VI SINH VẬT BẢN ĐỊA): là loại chế phẩm được điều chế bằng cách tận dụng nguyên liệu có sẵn tại địa phương. Có thể thu thập IMO từ nhiều vùng khác nhau (đồng bằng, đồi núi, trang trại, rừng rậm, …), sau đó kết hợp chung trong việc sử dụng, mục đích là tạo một môi trường giàu các vi sinh vật có lợi cho đất và cây trồng. Chọn các vùng đất chưa bị cày xới trước đó.

Nguyên liệu: gạo (nên chọn loại gạo rẻ tiền) hoặc một nguồn giàu carbohydrate; đường nâu hoặc mật đường (rỉ đường – thứ thu được từ bả mía ép hay có màu nâu đen giống nước màu kho cá); khay gỗ (thường dùng khay có kích thước 40*40 cm, cao khoảng 7-8 cm).

Điều chế: nấu gạo thành cơm chín, trải thành một lớp 2-3 cm trong khay, không nén chặt nhằm tạo diện tích lớn nhất để vi sinh vật phát triển. Dùng giấy niêm phong lại cho chặt, đảm bảo không bị thụng xuống chạm vào lớp cơm trong khay. Tìm nơi có tán tre hoặc tán cây rậm rạp (thường là nơi tập trung nhiều vi sinh vật nhất), đào một hố nông bằng khoảng 1/2 chiều cao khay gỗ, cho khay chứa cơm đã chuẩn bị vào, dùng lá mục, cành khô gần ngay tại đó phủ sao cho kín, nếu sợ mưa có thể phủ lên một lớp nilon. Sau 3-4 ngày (mùa nóng) hoặc 5-6 ngày (mùa lạnh), lớp cơm trong khay gỗ sẽ bị bao phủ bởi một lớp mốc trắng, đôi khi có lẫn một số mốc khác màu vào. Thu lấy lớp cơm chứa mốc trắng (không nên hoặc hạn chế dùng đến phần cơm chứa các mốc màu khác vì các vi sinh vật có hại có thể lẫn vào) đem trộn với mật đường hoặc đường nâu theo tỷ lệ khối lượng 1:1, cho vào đầy khoảng 2/3 một hũ chứa sạch, dùng giấy báo niêm phong lại, để nơi râm mát trong khoảng 7 ngày. Sau thời gian này, đem chắt lọc lấy phần IMO lỏng (có thể thu được rất ít) cho vào một hũ chứa khác, dùng giấy niêm phong lại. IMO lỏng thu được gọi là IMO-2, còn IMO ban đầu (phần cơm chứa mốc trắng) gọi là IMO-1. Một số nơi khi làm bước trộn cơm mốc với đường có thể thêm một lượng nước sạch bằng 3 lần lượng hỗn hợp cơm + đường, sau khi lọc sẽ thu được sản phẩm gọi tắt là BIM.

Ứng dụng: 
Dùng IMO: 100-250 mL IMO-2/16 L nước, phun ẩm cho đất hàng tuần. Dùng 2 mL IMO-2/1 L nước, phun ẩm cho đống ủ compost, giúp ngăn mùi hôi và làm quá trình ủ diễn ra nhanh hơn.
Dùng BIM: 15-30 mL BIM/1 gallon nước (1 gallon = 3.78 L) phun ẩm cho lá và đất. Đối với đống ủ compost, dùng BIM pha loãng với nước theo tỷ lệ thể tích 1:1000 hoặc 1:500 phun ẩm cho đống ủ.

2. IMO-3,4,5: nên tiến hành làm các IMO thứ cấp trên mặt đất, ở nơi mát mẻ, không làm trên nền bê tông.

Pha loãng IMO-2 hoặc BIM theo tỷ lệ thể tích 1:1000 trộn với cám sao cho đạt độ ẩm khoảng 65-70% (dùng tay cầm một nắm cám, bóp chặt, thấy cám vo lại thành cục và nước rỉ ra một vài giọt là được), trải cám thành một lớp cao khoảng 30-40 cm, dùng rơm rạ hoặc một tấm bạt phủ kín. Trong quá trình ủ, khi thấy nhiệt độ cao hơn 45 độ C thì nên tiến hành đảo đống ủ để nhiệt độ hạ xuống (nhiệt độ quá cao sẽ làm chết các vi sinh vật có ích). Tiến hành ủ như vậy cho đến khi nhiệt độ trở lại bình thường là hoàn tất. Đây gọi là IMO-3.

Dùng IMO-3 trộn với đất theo tỷ lệ khối lượng 1:1, trải thành lớp dày khoảng 20 cm, phủ bạt hoặc rơm lên để khoảng 1 ngày để vi sinh vật phân bố đều khắp đống ủ. Nếu thấy hỗn hợp bị khô thì dùng IMO-2 loãng làm ẩm. Đây gọi là IMO-4. Đất đem dùng nên là đất kết hợp từ rừng, trang trại, đồng lúa, …

Trộn IMO-4 với phân gà theo tỷ lệ 1:1 về khối lượng, chất đống cao khoảng 80-90 cm, phủ kín lại tiến hành ủ trong khoảng 7 ngày. Sản phẩm thu được gọi là IMO-5, là một nguồn phân bón hữu cơ hầu như không còn mùi hôi, có thể đem bón trực tiếp cho cây trồng.

Trên đây là phần về IMO, nếu các võ lâm đồng đạo thấy nó xài được thì sẽ tiếp tục cập nhật thêm. Cái này ở nhà chỉ mới xài tới IMO-2 pha loãng, đem trộn với đống rau + cá thúi thì thấy nó khử mùi rất tuyệt, riêng cái IMO-3,4,5 thì chưa đụng đến vì không có điều kiện.

Nguồn: Copy của bạn BooksHunter

Tác giả: Cam Vinh Kỳ Yến

Related Articles

Hướng dẫn sản xuất rau hữu cơ

Cẩm nang giới thiệu đến các bạn những nguyên tắc và cách thực hiện cơ bản trong sản xuất rau hữu cơ. Một tài liệu đào tạo về Nông nghiệp hữu cơ vùng nhiệt đới từ ADDA – Văn phòng tổ chức “Phát triển nông nghiệp Châu Á – Đan Mạch” tại Việt Nam.

Gieo mầm trên sa mạc

Cuốn sách này chủ yếu là về thực hành, và dù đã không có được lượng độc giả rộng khắp như cuốn Cuộc cách mạng một-cọng-rơm, nó vẫn rất đáng đọc, đặc biệt là với những ai quan tâm tới việc đưa những phương pháp làm nông tự nhiên của ông Fukuoka vào thực hành trên mảnh đất của chính mình.

Thiên nhiên và Nông nghiệp

Nếu chúng ta suy nghĩ một cách nghiêm túc về nông nghiệp – những vấn đề và sự cải tiến của nó, chúng ta phải học hỏi từ thiên nhiên. Tại sao vậy? Bởi thiên nhiên là lý tưởng. Trong việc sản xuất sinh khối, duy trì độ màu mỡ, bảo vệ đất, khống chế dịch bệnh, sử dụng năng lượng đầu vào – thiên nhiên cho chúng ta hệ thống hiệu quả nhất. Vậy chúng ta có thể tìm thiên nhiên thực sự ở đâu?

Responses