Nông nghiệp sinh thái

Những nguyên tắc của nông nghiệp sinh thái

Nếu chúng ta hiểu những vấn đề đặt ra cho nông nghiệp hóa học, chúng ta sẽ chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc dùng phương pháp luân canh. Ở đây chúng ta hiểu nông nghiệp sinh thái học như một phương pháp luân canh dựa trên hệ sinh thái rừng tự nhiên. Khi dùng phương pháp này, ta phải tuân thủ những tiêu chuẩn sau:

  1. Không tàn phá môi trường tự nhiên xung quanh
  2. Đảm bảo năng suất cao hơn so với nông nghiệp hóa học
  3. Đảm bảo tính thực tiễn
  4. Ít phụ thuộc vào hàng ngoại nhập (đầu vào)

Chúng ta có thể thấy rừng tự nhiên được coi như một hệ lý tưởng cho việc sản xuất quần thể- sinh học, sự ổn định, bảo tồn đất, v.v…, từ đó có thể rút ra những nguyên tắc cho nông nghiệp sinh thái học.

1. Tính đa dạng

Rừng tự nhiên gần như không có vấn đề dịch bệnh nghiêm trọng. Nguyên nhân là do giống cây, động vật và vi sinh vật. Giả sử có khoảng 100 giống cây mọc trên một hecta rừng tự nhiên, nhưng có rất ít giống trên mỗi hecta đất nông nghiệp và chỉ có một giống cây trong nông nghiệp độc canh.

Tính đa dạng đảm bảo cho sự cân bằng sinh thái (sự ổn định), còn độc canh là một hệ sinh thái bất ổn nhất và mẫn cảm đối với những hiện tượng như bùng nổ dịch bệnh. Bởi vậy, tăng cường tính đa dạng là một trong những điều quan trọng nhất của nông nghiệp sinh thái học nhằm đảm bảo tính ổn định của canh tác.

Hơn nữa, tính đa dạng hóa nguồn thu nhập của nông trại còn giúp giảm nhẹ nguy cơ thất bát toàn bộ mùa màng. Những phương pháp canh tác đảm bảo tính đa dạng bao gồm :

  1. Trồng các giống khác nhau
  2. Lai tạo giống
  3. Luân canh
  4. Trồng cây lâu năm và cỏ ở khu vực giáp ranh
  5. Bảo tồn các giống vật khác loài (gia súc, cá, ong)

2. Đất sống

Đất không chỉ có tính chất vật lý đỡ cho cây, giữ nước và chất dinh dưỡng mà còn là một vật thể sống.

Trong canh tác theo phương thức nông nghiệp hóa học, người ta đã không nắm được ý nghĩa quan trọng này nên đã làm cho đất bị thoái hóa. Hiện tượng đó đã trở nên hết sức nghiêm trọng trong thực tiễn canh tác. Vấn đề không phải nảy sinh một cách tự nhiên mà là do con người gây ra, do người nông dân và những nhà nông học thiếu sự hiểu biết và quan tâm đến đất. Để phục hồi lại đất, chúng ta cần thay đổi quan niệm về đất, đó là một vật thể sống chứ không phải là vật thể chết.

Đất sống

Đất sống tức là đất chứa vô vàn vi sinh vật. Hoạt động của vi sinh vật là yếu tố quyết định sức khỏe và độ phì nhiêu của đất. Như những vật thể sống, đất cũng cần được nuôi dưỡng và chăm sóc. Những điều kiện sau đây đảm bảo cho đất sống:

  1. Bón đất thường xuyên bằng phân hữu cơ
  2. Phủ đất để chống xói mòn
  3. Khử những yếu tố gây hại như các hóa chất dùng trong nông nghiệp

3. Tái chu chuyển

Trong rừng tự nhiên, có một chu chuyển dinh dưỡng dựa vào đất. Mọi điều bắt nguồn từ đất và lại trở về đất. Do sự chu chuyển này, mọi thứ trong tự nhiên đều cần thiết và chúng hỗ trợ lẫn nhau. Chu chuyển này là điểm then chốt cho việc sử dụng đúng mức tài nguyên, nhưng trong thực tiễn nông nghiệp, chu chuyển luôn luôn bị rối loạn và làm nảy sinh các vấn đề.

Trong đất nông nghiệp, hầu như tất cả sản lượng sinh khối đều bị lấy đi khỏi đất sau quá trình thu hoạch. Gần như không có gì để lại hoặc trả lại, chỉ có một số loại khoáng được thêm vào qua phân hóa học, do đó độ phì nhiêu của đất bị suy giảm nghiêm trọng. Trong trường hợp vật nuôi mang tính chất thương mại, người nông dân cố giữ bò hay gà càng nhiều càng tốt ở một khu có giới hạn, mua vật nuôi, thức ăn và cho ăn từ bên ngoài. Người nông dân có thể có thu nhập tốt do bán các sản phẩm này. Đồng thời, người nông dân sẽ đứng trước vấn đề có liên quan tới một lượng lớn phân bò hoặc phân gà, vì không có đủ đất để trả lại phân. Điều này gây ra một vấn đề vệ sinh trong khu vực được gọi là ô nhiễm do vật nuôi (vấn đề này rất phổ biến ở Nhật Bản ). Như vậy, sự phá vỡ chu trình tạo ra những vấn đề nghiêm trọng. Một là giảm độ phì do thiếu chất hữu cơ và hai là sự ô nhiễm do có quá nhiều chất hữu cơ.

Các vấn đề phát sinh là do thiếu hiểu biết về chu chuyển dinh dưỡng của nông dân, cán bộ nông nghiệp và xu hướng chuyên môn hóa của họ (nghĩ về một cái mà không xem xét mối quan hệ của nó với các cái khác). Do đó, để giải quyết vấn đề, điều rất quan trọng là hiểu biết chu chuyển và suy nghĩ làm thế nào để tái lập chu chyển trong thực tiễn nông nghiệp. Tái chu chuyển tạo ra mối quan hệ đúng đắn giữa các thành phần canh tác (cây trồng, động vật, cá, cây, gỗ v.v..) để có lợi cho từng thành phần. Tái chu chuyển là điểm then chốt trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên sẵn trên đồng ruộng và giảm bớt các đầu vào từ bên ngoài cho sản xuất nông nghiệp.

Tái chu chuyển

Nghiên cứu về nuôi cá

Khi nuôi cá, các chuyên gia không muốn trồng cây và cỏ trên bờ ao cũng như có thực vật thủy sinh dưới ao, vì họ cho rằng bóng cây và thực vật thủy sinh làm giảm sản lượng sinh vật phù du trong ao và do đó giảm sản lượng cá. Họ dọn sạch ao và mua thức ăn (đầu vào) từ bên ngoài và bán cá (sản xuất ) ra bên ngoài. Không có sự tái chu chuyển trong cách làm truyền thống này và điều này gây nên một số vấn đề. Bờ ao bị sụt lở do mưa nên phải đào đắp lại, sự thiếu oxi do không có thực vật thủy

sinh khiến cá bị bệnh nên phải dùng thuốc (hóa chất) và mua máy cung cấp oxi. Họ có thể đạt sản lượng cá tối đa nhưng họ đứng trước nhiều vấn đề khi phá hủy hoàn toàn nghề cá và tăng chi phí sản xuất cho những giải pháp chỉ mang tính tạm thời.

Tuy vậy, nếu trồng cây và cỏ trên bờ ao và hướng dẫn họ về việc tái chu chuyển, ta sẽ thấy một số lợi ích:

  1. Bờ ao được cây cỏ bảo vệ nên không cần phải đào đắp lại
  2. Cỏ (para v.v…) và lá cây ( cây họ đậu v.v..) có thể nuôi một số bò
  3. Có thể nuôi một số vịt dưới ao bằng thực vật thủy sinh và những thứ khác
  4. Phân bò, phân vịt và chất hữu cơ từ cây cỏ có thể làm thức ăn cho cá nên không cần mua thức ăn
  5. Thực vật thủy sinh giữ cho nước ao sạch (không thiếu oxi) do đó cá có thể sống khỏe mạnh
  6. Việc trồng cây ăn quả (đu đủ, chuối, dừa, chanh v.v…) có thể là một nguồn thu nhập khác trong vài năm
  7. Các lợi ích khác như sản xuất nhiên liệu và chất hữu cơ làm cho đất màu mỡ cũng như cân bằng sinh thái trong trang trại

Cách làm này có thể làm giảm sản lượng cá nhưng làm tăng thu nhập từ các nguồn khác (cá, bò, vịt, hoa quả ), giảm các chi phí (hầu như không tốn) đầu vào từ bên ngoài (thức ăn v.v…) và giảm bệnh cho cá có thể mang lại thu nhập thực tế nhiều hơn so với cách nuôi cá truyền thống.

Bằng cách này, các vấn đề sẽ được giải quyết và mang lại kết quả khả quan do biết cách áp dụng quan điểm về tái chu chuyển. Chỉ cần các chuyên gia nuôi cá được giải phóng khỏi các bẫy chuyên môn của họ.

4. Cấu trúc nhiều tầng

Nguồn thực sự giúp sản xuất nông nghiệp (sinh khối) là ánh sáng mặt trời và nước mưa. Sản lượng sinh khối trong rừng tự nhiên luôn cao hơn sản lượng ở đất nông nghiệp. Nguyên nhân là thảm thực vật nhiều tầng của rừng có thể giúp sử dụng tối đa ánh sáng mặt trời và nước mưa. Cấu trúc đất nông nghiệp thường là nằm ngang nên không thể sử dụng đúng mức các tài nguyên này.

Nếu ánh sáng mặt trời và nước mưa được tận dụng hợp lý cho đất nông nghiệp, chúng có thể đem lại nhiều lợi ích cho đất. Nếu không, chúng sẽ trở thành những nguyên nhân chính cho hạn hán và xói mòn đất. Nhiều nắng và mưa là đặc điểm của khí hậu nhiệt đới, như ở Banglasdesh, do đó nông nghiệp nhiệt đới rất cần trong việc xây dựng cấu trúc đất nhiều tầng.

Những điểm sau đây đảm bảo cấu trúc nhiều tầng trong một trang trại:

  • Trồng nhiều loại cây lâu năm trên diện tích ranh giới và những cây ưa tối.
  • Kết hợp tốt cây gỗ (lâu năm) và cây một năm.

“Năng lượng truyền vào hệ thống của chúng ta là năng lượng tự nhiên như nắng, gió và mưa. Các thành phần sống và một số yếu tố công nghệ hoặc không sống được gắn với hệ biến đổi các năng lượng thành những trữ lượng có ích được gọi là tài nguyên.”
Bill Mollison –

Ảnh bìa: Roman Synkevych
Trích tác phẩm: Những Bài Học Từ Thiên Nhiên (Lessons from Nature) – Shimpei Mukakami

Related Articles

Hướng dẫn sản xuất rau hữu cơ

Cẩm nang giới thiệu đến các bạn những nguyên tắc và cách thực hiện cơ bản trong sản xuất rau hữu cơ. Một tài liệu đào tạo về Nông nghiệp hữu cơ vùng nhiệt đới từ ADDA – Văn phòng tổ chức “Phát triển nông nghiệp Châu Á – Đan Mạch” tại Việt Nam.

Gieo mầm trên sa mạc

Cuốn sách này chủ yếu là về thực hành, và dù đã không có được lượng độc giả rộng khắp như cuốn Cuộc cách mạng một-cọng-rơm, nó vẫn rất đáng đọc, đặc biệt là với những ai quan tâm tới việc đưa những phương pháp làm nông tự nhiên của ông Fukuoka vào thực hành trên mảnh đất của chính mình.

Thiên nhiên và Nông nghiệp

Nếu chúng ta suy nghĩ một cách nghiêm túc về nông nghiệp – những vấn đề và sự cải tiến của nó, chúng ta phải học hỏi từ thiên nhiên. Tại sao vậy? Bởi thiên nhiên là lý tưởng. Trong việc sản xuất sinh khối, duy trì độ màu mỡ, bảo vệ đất, khống chế dịch bệnh, sử dụng năng lượng đầu vào – thiên nhiên cho chúng ta hệ thống hiệu quả nhất. Vậy chúng ta có thể tìm thiên nhiên thực sự ở đâu?

Responses